Thánh Augustine

Vào thời thánh Antôn, chết trên núi Colzin nơi sa mạc, thọ 105 tuổi, lúc đó thánh Augustinô vừa mới sinh ra. Anre Jus Augustinus sinh ngày 13-11-354 tại Tagaste, một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Numidia, Phi Châu (bây giờ là Sank Abros, phía bắc xứ Algéme). Ngài còn có một em trai và một em gái, người em gái sau này trở nên một nữ tu (nhưng không được biết chi tiết gì hơn về hai người này).

Cha mẹ của Augustinô không chia sẻ cùng một đức tin. Cha của ngài, Patrice là người ngoại giáo, còn mẹ ngài, Monica là người Kitô hữu, rất thông minh và đạo đức. Những ấn tượng đầu tiên của Augustinô về tôn giáo là những cuộc tranh luận về tín lý. Kinh nghiệm đầu tiên của Augustinô ở gia đình là từ những cuộc cãi vã và bất hoà giữa Patrice và Monica. Học không sống với nhau, nhưng đúng hơn là chống đối nhau và ly thân.

Là một Kitô hữu nhiệt thành, bà Monica cố sức đưa cậu con trai của mình vào đường ngay chính. Bà gợi lên sự cao cả của Thiên Chúa và thúc đẩy Augustinô cầu nguyện. Nhưng Augustinô chỉ cầu nguyện khi nào cậu đã phạm một tội nào đó và tìm cách trốn hình phạt. Những lúc như thế cậu đã liến thoắng kêu trời một cách thành khẩn, hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ xót xa cậu những cơn nổi giận của người lớn. Nhưng khi những lầm lỗi của cậu cuối cùng đã bị khám phá ra và cầu nguyện tỏ ra bất lực không thể che chở cho khỏi bị sửa phạt, cậu lại mất tin tưởng vào Chúa.

Mặc dù mẹ chàng đã dưỡng dục chàng trong đạo Chúa Kitô, Augustinô vẫn chưa được rửa tội. Theo phong tục thời đó, chỉ cho rửa tội những ai đã đến tuổi thành niên, đã hiểu được ý nghĩa và trách nhiệm của bí tích.

Một ngày kia cậu bé, theo sáng kiến riêng của nó, đã xin người ta cho cậu được chịu bí tích Rửa tội. Ước muốn được tuyên xưng đức tin này cũng phát khởi từ một động lực mà trước đây nó đã thúc đẩy cậu cầu nguyện. Một cơn đau dạ dày đã quật ngã cậu và làm cho cậu quá sức đau đớn, nỗi sợ chết xâm chiếm lấy cậu. Bỗng nhiên cậu nhớ lại rằng trong cơn nguy hiểm và buồn phiền, mẹ cậu đã trông cậy nơi Chúa sự trợ giúp tối đa, vậy là cậu lớn tiếng kêu xin được chịu bí tích. Mẹ cậu, mắt đầy lệ, vội thi hành ngay điều cậu yêu cầu; trong khi ngày hôm sau cậu được bình phục, nỗi sợ chết đã bay xa và cùng bay theo nốt với nó là lòng kính sợ Chúa của cậu!

Sau thời thơ ấu, qua tuổi thiếu niên và lúc bắt đầu tuổi tráng niên, cho đến thời kỳ ngài thay đổi và trở lại. Cậu bé xấu xa này đã lớn lên và trở thành một thiếu niên phóng đãng, một thanh niên tính hay thất thường, hay thay đổi. Trẻ con nhưng không còn là trẻ con, người lớn cũng chưa hẳn là người lớn. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, trong cuốn Tự thú của ngài, Augustinô nhìn nhận các thác loạn tội lỗi của mình trong thời niên thiếu. Ngài thú nhận về “sự hư hỏng về đàng xác thịt”, phàn nàn rằng: “Các ước muốn vẩn đục như những cây gai mọc lên tua tủa trong đầu óc con và không có cách nào trừ tuyệt được chúng”, Ngài cũng lấy làm ân hận vì đã “làm vẩn đục nguồn tình bạn bằng vết nhơ dâm dục”. Và kể tiếp: “Con không tuân theo những mực thước của tình yêu; tinh thần đối với tinh thần, những giới hạn sáng suốt của tình bạn; con không phân biệt nổi giữa sự tinh khiết trong suốt của tình yêu và sương mù của dâm dục. Cả hai đều cuồng nhiệt một cách lẫn lộn nơi con. xô đẩy tuổi trẻ bồng bột của con về vực thẳm của các dục vọng dâm loạn và ném con xuống hố sâu ô nhục. Vào năm mười sáu tuổi, trong đời sống nhục dục của con, sự rồ dại dâm dật xâm chiếm lấy con và con hoàn toàn buông trôi theo nó.”

Khi bà Monica khuyên ngài sửa mình, Augustinô đã từ chối những lời kêu xin của bà như một “chuyện lẩn thẩn của đàn bà”. Đôi khi chàng trai say mê khoái lạc này nhớ lại những lời khuyên bảo của bà mẹ về vấn đề Thiên Chúa. Và chính vì bà hơn là vì ơn cứu rỗi của linh hồn mà chàng cũng tham dự việc thờ phượng. 

Chàng đã đính ước với một trong những cô gái mà chàng thường đi lại. Mélanie là một cô gái có đạo thuộc dòng dõi hạ đinh, điều này cho ta hiểu tại sao Augustinô chưa bao giờ là chồng của cô ta. Sau một năm sống chung, người phối ngẫu của Augustinô cho ra đời một cậu con trai. Họ đặt tên cho con là Adeodat, quà của Chúa. Niềm vui được thấy đứa cháu nội đã không dành cho Patrice. Ông đã mất vào năm sinh Adeodat. Trước khi thở hơi cuối cùng trước sự khẩn khoản của Monica, ông đã bằng lòng chịu bí tích Rửa tội: Augustinô lúc đó đã 18 tuổi.

Cuối cùng, khi đã được bằng hùng biện và có thể hành nghề, lòng say mê thành công và tiền bạc đã xâm chiếm chàng. “Trong những năm ấy, con dạy môn hùng biện và tham lam, con buôn bán lời khoa trương của con cho những ai ưa thích sự giả trá và tìm những cách lừa phỉnh.” 

Trong khi cả thành Tagaste xúm lại nghe những bài học của nhà hùng biện sáng chói, Monica ở lại nhà khóc than đứa con hư hỏng của bà. Trong cơn tuyệt vọng, bà trở lại Madaura, Toà Giám mục gần nhất và đầy nước mắt, cầu khẩn với Đức Giám mục chỉ cho bà một phương cách nào để đưa đứa con hoang đàng của bà về với đức tin chân thực. Vị Giám mục khả kính lắng nghe và để an ủi bà, ngài nói: “Con hãy đi con đường của con và Thiên Chúa sẽ chúc lành cho con. Không thể nào đứa con của những giọt lệ này lại hư đi được”. Đối với Monica, mặc dù lúc đầu khó có thể nhận ra được, nhưng lời tiên đoán ấy không phải đợi lâu mới được thực hiện.

Cuộc Trở Lại

Nhưng Chúa nhân từ vô cùng, đã nghe lời cầu nguyện và nước mắt của bà Monica, mà xui khiến ba yếu tố giúp Austin trở lại Kitô giáo: thánh Ambrosiô, triết học Platon và thư thánh Phaolô gửi giáo hữu Roma.

Thánh Ambrosiô

Sau khi từ chức giáo sư, Augustine bỏ Milan về ở nhà người bạn, tên là Vercecundus, tại Cassiciacum, cách Milan 30 cây số, từ tháng 10 năm 386 đến tháng 3 năm 387. Ở đó với ngài, có mẹ ngài, em trai ngài, con ngài và 5 môn đệ: Alypius, Licentius, Trygentius và em họ của ngài. Tất cả là một nhóm 9 người. Ở đó, ngài vừa nghỉ lấy sức lại, vừa suy nghĩ và dạy mấy môn đệ theo ngài.

Mùa Chay năm 387, ngài trở lại Milan, xin ghi tên vào số các ứng viên chịu phép thanh tẩy và nghe thánh Ambrosiô giảng dạy. Thánh Ambrosiô có nhiều uy thế đối với các người trí thức ở Milan. Tuy Augustin chưa được chuyện vãn với người, nhưng vốn chăm chú nghe người giảng. Ban đầu Augustin chỉ thích nghe vì những bài giáo huấn rất văn chương và hùng hồn. Không ngờ Augustin bị lôi cuốn đi xa hơn. Cách diễn giải Thánh KInh của thánh Ambrosiô làm cho Augustin chú trọng đến Cựu ước, mà trước đây ngài lãnh đạm. Ngài biết rằng không nên đọc Thánh kinh theo mặt chữ, nhưng phải nắm lấy ý nghĩa tượng trưng của nó. Cũng nhờ thánh nhân mà Augustin được làm quen với triết học Platon.

Tân triết học Platon

Những người trí thức sống chung quanh thánh Ambrosiô đã Kitô hoá triết học Platon (cũng như sau này, thánh Thoma đã Kitô hoá triết học Aristote vậy). Augustin say mê triết học Platon lắm. Đã hẳn, sau này ngài sẽ nhận thấy trong tân triết học Platon có nhiều điểm không thể dung hoà với giáo lý công giáo (tỉ dụ thể xác và vật chất bị coi là xấu xa và đáng khinh bỉ). Nhưng, lúc đó, đặc tính tinh thần cao thượng và quan niệm chính đáng về chân, thiện, mỹ của Platon làm cho Augustin rất phấn khởi. Và khi Victorinus dịch các tác phẩm triết học Platon và Porphyry ra La ngữ, thì Augustin mới hiểu được một cách rõ ràng hơn: cuộc gặp gỡ này đã giải thoát Augustin khỏi ám ảnh của lý thuyết duy vật và hoài nghi.

Thư Thánh Phaolô gửi giáo hữu Roma và các cuộc trở lại gương mẫu.

Nhưng đam mê xác thịt và tính kiêu ngạo còn cản trở Augustin trên con đường đi tới chân lý và trở lại hoàn toàn. Chính nhờ việc đọc lời thư thánh Phaolô (Rm 13:13-14) khuyên phải từ bỏ đam mê xác thịt, mặc lấy Chúa Kito6. Tiếp đến những tin trở lại dồn dập gửi đến cho ngài, như: nhà hùng biện Marius Victorinus ở Roma trở lại, hai công chức trẻ ở Trèves trở lại vì đã đọc truyện thánh Antôn tu hành.

Vậy, như đã nói trên kia, sau mấy tháng ở Cassicianum, Augustin trở lại Milan theo lớp chịu phép thánh tẩy, và trước lễ Phục Sinh (23-4-387) ngài đã được Đức Cha Ambrosiô rửa tội cho, cùng với đứa con là Adeodat và môn đệ là Alpinus. Sau đó, cả nhóm kéo nhau tới cửa biển Ostie, chờ tàu về Phi Châu. Nhưng bà Monica ngã bệnh và qua đời tại đó ngày 3 tháng 11 năm 387.

Làm Linh Mục và Giám Mục

Chôn cất bà thân mẫu ở Ostie, Augustin trở lại Roma, và ở đó một năm. Khi về Tagaste (388), ngài tụ tập một nhóm bạn bè và cựu môn sinh, sống với nhau theo kiểu tu viện.

Rồi một ngày kia, ngài vào nhà thờ thành Hippone, đang lúc đức giám mục già cả đề nghị với giáo dân chọn một linh mục có khả năng giúp đỡ ngài, nhất là trong việc giảng dạy, vì ngài gốc Hy lạp, ít thông thạo La ngữ. Dân chúng biết có Augustin trong nhà thờ, liền đồng thanh kêu lên: Augustin làm linh mục! Dù ngài chối từ và khóc lóc, dân chúng cũng bắt ngài phải nhận. Augustin cho việc bỏ đời sống tu trì và chiêm niệm, mà đã thực hành từ khi trở lại, là một hy sinh rất lớn. Nhưng ngài đã chấp nhận hoàn toàn hiến thân vào việc tông đồ. Ngài thụ phong linh mục năm 36 tuổi (391), cũng là năm Adeodat từ trần.

Năm năm sau (395), ngài chịu chức giám mục phó. Và khi đức giám mục già Valerius qua đời, ngài lên cầm quyền giáo phận Hippone (396). Giá trị cá nhân và hoạt động của ngài đã tạo nên một địa vị quan trọng với hàng giáo phẩm Phi châu. Ngài còn giao thiệp với thánh Paulin, giám mục thành Nole, thuộc xứ Campain, với thánh Jerome ở Bêlem, với Simplicien ở Milan; với tất cả giáo hoàng và thượng vị. Ngài qua đời được vài tuần, thì sứ giả của thượng vị Valentinian III mới tới Hippone mời ngài đi dự Công đồng chung họp ở Ephèse năm 431.

Nhưng cốt yếu là ngài hoạt động trong giáo phận của ngài. Toà giám mục của ngài biến thành một tu viện, các linh mục, thầy phó tế cùng với ngài sống chung, ăn chung, cầu nguyện chung. Đời sống chung mà ngài khởi xướng đã được đời Trung cổ bắt chước theo. Khi được 72 tuổi, ngài chọn một linh mục tên là Heractius giúp đỡ ngài, để ngài dành mỗi tuần 5 ngày mà viết tác phẩm về thần học, theo như nguyện vọng của Công đồng Numidia và Phi Châu. 

Đầu năm 430, làn sóng Vandales tràn ngập Phi Châu, chúng vây thành Hippone. Đến tháng 3, ngài lâm bệnh và qua đời ngày 28-8-430.

Một vĩ nhân và một đấng thánh

Một vĩ nhân: Người ta đã nói về Augustin là “một trong các kẻ đã làm vẻ vang nhất cho nhân loại”. Và chắc chắn người là một trong các anh tài lớn nhất của Giáo hội. Chứng cớ là sự cao thượng về tinh thần và luân lý trong đời sống Kitô giáo và trong sự nghiệp của ngài.

Một đấng thánh: Sự thánh thiện siêu quần của Augustin từ khi trở lại, đã được các nhân chứng về đời người xác nhận, nhất là thánh Possidius, hoan hỉ mô tả các nhân đức của người. Cả sách Tự thuật cũng cho thấy lòng mến Thiên Chúa của người ảnh hưởng đến độc giả như thế nào rồi: Các tác phẩm khác cũng có những nét chứng tỏ nơi người vượt trổi nhất là đức ái, là linh hồn của sự trọn lành.

Về Sách Tự Thuật

Ngài đã viết 96 cuốn sách, không kể bài giảng và thư tín. Ngài đã viết về đủ mọi vấn đề: tín lý, luân lý, kỷ luật, triết học, chú giải Thánh kinh, huấn giáo, tu đức, phi bác bè rối… Nhưng sách Tự Thuật là tác phẩm trổi nhất của Augustin. Ở đây, tất cả phát xuất từ đáy con tim, từ một con tim giống như con tim chúng ta, với trăm mối khắc khoải đoạn trường, với ngàn nỗi ưu tư phiền muộn hay hỉ hoan, là tất cả cuộc sống thường nhật của con người: hơn thế nữa, từ một con tim rất cởi mở, chân thành và khiêm tốn. Cuốn Tự thuật là một kiệt tác bất hủ của Thánh Augustin. Sau hết, những trang đầy tình tứ tha thiết, nhưng lại được linh hứng thần bí thuần lương siêu thoát. Chính đời sống thiêng liêng sung mãn đó làm cho cuốn sách này trở nên một kho tàng giá trị vô song.

Thánh Augustine được phong làm Tiến sĩ Hội thánh năm 1298 bởi Đức Giáo Hoàng Boniface VIII. Lễ kính vào ngày 28 tháng 8.