SỐNG THÁNH THIỆN
Khao khát và nỗ lực để phát triển trong sự thánh thiện.
Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để khao khát, nỗ lực để lớn lên trong sự thánh thiện, và càng đáp trả chúng ta sẽ càng nhận được nhiều ân sủng hơn.
Chính Chúa là Đấng đặt lòng khao khát vào trái tim chúng ta để phát triển trong nhân đức và thánh thiện. Ước muốn thánh thiện chính nó là một món quà từ Thiên Chúa. Nhưng như bất kỳ món quà nào, chúng ta phải tiếp nhận, trân trọng và sử dụng món quà đó theo cách nó đã được dự định để có thể sinh hoa kết quả tốt. Chúa mong muốn chúng ta nên thánh. Thánh Phaolô nói: "Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người.” (Êphêsô 1:4) Đây là ơn gọi, là mục đích, là lý do chúng ta được dựng nên.
Thánh thiện nghĩa là gì? Chỉ có Thiên Chúa là thánh thiện và là nguồn mạch của tất cả mọi sự thánh thiện. Thánh thiện là nên giống Chúa, kết hợp với Người. Nhưng làm sao để chúng ta thực sự biết Thiên Chúa là thế nào? Ai là hình ảnh hoàn hảo của người Cha nếu không phải là người Con. Vì vậy, nên thánh là nên giống như Chúa Giêsu, bắt chước đời sống, nhân đức của Người, trở thành một với Đấng Cứu Thế. Có một phẩm chất nào của Chúa Giêsu thì nổi bật nhất? Đặc tính lớn nhất của Chúa là gì? Thánh Gioan nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu này bằng sự nhập thể, sự sống và cái chết của Người. Chúa Kitô cho chúng ta biết: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Gn 15:13) Chúng ta được kêu gọi để bắt chước tình yêu hoàn hảo này và như vậy trở nên thánh thiện.
Tình yêu có ba yếu tố thiết yếu: Hy sinh, quên mình và chấp nhận. Thiên Chúa biểu hiện tình yêu này bằng cách hy sinh chính người Con duy nhất của mình; Người quên mình đi khi nghĩ về sự cứu rỗi chúng ta; và chấp nhận những yếu đuối, hạn chế của chúng ta. Chúng ta cũng được kêu gọi để hy sinh cho vinh quang Chúa, quên mình đi khi tập trung vào nhu cầu của người khác, chấp nhận những sai lầm của họ, cũng như chấp nhận sự quan phòng của Chúa. Như vậy, nhằm hoàn thiện đức mến của chúng ta và trở nên thánh.
Tất cả các điểm trước đây giúp chúng ta phát triển trong sự thánh thiện và hoàn thiện tình yêu của chúng ta. Điểm này là điểm gộp lại tất cả hoặc tổng kết các điểm khác - là một lời nhắc nhở cuối cùng về lý do tại sao bạn đang đọc trang mạng này. Chỉ khao khát thôi thì đáng khen, do đó chúng ta phải tập luyện khao khát thánh thiện. Nhưng nó không thể dừng lại ở đó, bởi vì khao khát thôi thì không đủ.
Khao khát có ý hướng dẫn chúng ta đến hành động. Khao khát là động lực, là nhiên liệu thúc đẩy chúng ta hành động, để thực hiện các bước tu luyện và thực hành những điểm này. Sức mạnh của khao khát cần được thử thách. Khi được thử thách, chúng ta phải phấn đấu, cố gắng và kiên nhẫn. Ngay cả khi ngã - và chắc chắn sẽ ngã - chúng ta không được bỏ cuộc hoặc chán nản, nhưng tiếp tục nỗ lực phấn đấu vì sự thánh thiện và hoàn hảo. Chỉ khi nào chúng ta chiến đấu với thử thách thì mới đạt được sự khôn ngoan, sức mạnh và can đảm. Khẩu hiệu "Không đau đớn, không đạt được" cũng được áp dụng trong đời sống tâm linh. Tình yêu của chúng ta phải trở nên cố gắng và chân thật.
"Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” (Mt 6:21)
Chúng ta thấy mọi người nỗ lực rất nhiều trong mọi lĩnh vực của cuộc sống: trường học, công việc, sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần và thể thao. Thỉnh thoảng tôi đi đến phòng tập thể dục, tôi luôn thấy cũng những người đó - họ phải ở đó mỗi ngày, làm việc hàng giờ. Tôi chắc chắn họ xem những gì họ ăn là tốt. Họ rất kỷ luật khi nói đến cơ thể và diện mạo của mình. Nhưng liệu họ có cùng quan tâm và nỗ lực khi nói đến linh hồn của họ không? Chắc là không! Hầu hết những mong muốn và nỗ lực của mọi người đều tập trung vào những thứ khá hời hợt, thoáng qua và tầm thường.
Thánh Gioan Thánh Giá than thở: "Ôi các linh hồn được tạo ra cho những vinh quang. Bạn đang nghĩ gì? Bạn đang bận rộn điều gì? Thật tầm thường làm sao những khát vọng của bạn, và khốn khổ làm sao khi bạn giả vờ tốt.”
Thánh Kinh và các Thánh nói chúng ta phải tập trung những ước muốn, nỗ lực của mình vào những điều thực sự quan trọng, mà điều đó đem lại sự sống vĩnh cửu. Trong Cựu ước, Thiên Chúa nói với dân Do Thái nhiều lần: "Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Lêvi 19:2) Trong Tân ước, Chúa Giêsu lặp lại cũng một lời khuyên: "Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Thánh Phaolô nhắc nhở: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh.” (1Th 4:3) Thánh Phaolô giúp chúng ta đưa mọi thứ theo đúng quan điểm: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát.” (1Cor 9:25) Vì vậy, chúng ta cần định hướng lại những ước muốn; những ưu tiên trong cuộc sống; tập trung lại năng lực của mình. Đừng đi theo dòng chảy, theo đám đông, hoặc đi theo con đường đi thuê mà hãy chọn con đường hẹp.
"Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7:13-14)
Với tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria đã được bảo vệ khỏi tội lỗi nguyên tổ và tội lỗi thực sự nhờ ân sủng dự phòng của Chúa Kitô. Tuy nhiên, Mẹ Maria vẫn có tự do hoàn toàn và luôn tuân theo ý muốn của Chúa. Mẹ Maria đã có một khát vọng tràn ngập để ở lại trong sự thánh thiện và cố gắng duy trì sự thánh thiện của mình. Các thánh nói rằng: Mẹ Maria luôn nhìn xuống như là một cách để gìn giữ mắt của Mẹ. Chúng ta biết Trinh Nữ là một người cầu nguyện và thực hành các nhân đức. Mẹ Maria cũng đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo như là mẹ của Chúa Giêsu, vợ của Thánh Giuse và con gái của Chúa Cha.
Niềm khao khát, nỗ lực của chúng ta để lớn lên trong sự thánh thiện đến từ tình yêu dành cho Chúa và mong muốn thành một với Người. Cố gắng trong sự thánh thiện, thanh sạch bao gồm việc tránh những dịp phạm tội. Chúng ta ý thức được những tội lỗi lặp đi lặp lại của mình và nó bắt đầu làm sao, điều gì gây nên nó - những hành động, lựa chọn đã dẫn đến tội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn trở lại những hành vi cũ, và tự hỏi tại sao chúng ta không thể bỏ thói quen của một tội cụ thể. Do đó, nên cố gắng không tham gia vào các hoạt động hoặc ở với người nào, hoặc ở những nơi nào mà chúng ta dễ bị cám dỗ nhất. Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết và thực hiện các bước để tránh những dịp như vậy và phá vỡ vòng tròn tội lỗi lặp đi lặp lại này.
Cuối cùng, thường thì những lời cầu nguyện không được trả lời, không phải vì chúng ta xin quá nhiều, mà vì xin quá ít! Chúng ta nên khao khát trở thành những thánh nhân và đi thẳng lên Thiên đàng sau cuộc sống trên trái đất này. Luyện ngục có nghĩa là lưới an toàn nhưng không phải là một mục tiêu. Nhưng nhiều người mãn nguyện chỉ để đến luyện ngục. Tuy nhiên, chúng ta được kêu gọi để lớn lên trong sự thánh thiện trọn vẹn ở đời này và do đó xứng đáng hưởng cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Nhưng thường thì chúng ta lại muốn những điều thấp kém hơn, khao khát không đúng chỗ, ước mơ thì quá nhỏ bé và nỗ lực thì quá yếu ớt. Chúng ta nên xin Chúa với lòng khiêm tốn nhưng cũng xin với sự mạnh dạn là làm cho chúng ta trở thành những vị thánh! Thánh Therese nói với Chúa rằng cô muốn yêu Chúa như Chúa chưa bao giờ được yêu! Và Chúa đã giúp cô hoàn thành ước muốn của mình.
Leon Bloy nhắc nhở chúng ta: "Đau buồn thực sự duy nhất, thất bại thực sự duy nhất, và bi kịch duy nhất trong cuộc đời là không trở thành một vị thánh."