KHIÊM NHƯỜNG
Chúng ta càng khiêm nhường thì Chúa sẽ càng nâng chúng ta lên.
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Người có tâm hồn nghèo khó là người nhận biết sự giới hạn, yếu đuối và tình trạng thiếu thốn của mình. Họ nhận ra không có gì là của riêng họ - đôi bàn tay họ trống rỗng. Vì vậy họ nhìn lên Chúa và hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa cho tất cả mọi nhu cầu của mình. Chúa Giêsu nói những tâm hồn khiêm nhường này sẽ nhận được dồi dào ân sủng của Chúa.
Trong khiêm nhường thì quyền năng và sự tốt lành của Chúa được thể hiện rõ ràng nhất: “Vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con.” Càng khiêm nhường thì Chúa càng làm việc trên chúng ta nhiều hơn. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ thêm kiêu ngạo, mà điều đó thì Chúa không muốn. Thánh Phaolô đã có thái độ rất đúng khi Thánh giải thích sự tương quan giữa khiêm nhường và ân sủng: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi.” Chúng ta càng nhìn nhận sự hư vô của mình và hoàn toàn dựa vào Chúa, thì Chúa sẽ càng sống và làm việc trên chúng ta nhiều hơn.
Mẹ Maria là gương mẫu của sự khiêm nhường. Mẹ cho biết Thiên Chúa đối xử với người khiêm nhường và người kiêu ngạo như thế nào:
“Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới... Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Luca 1:46-56)
Mẹ Maria luôn xem mình là tôi tớ thấp hèn, là nữ tỳ của Chúa. Mẹ nhìn nhận sự trống rỗng của mình và dâng lên Thiên Chúa tất cả những gì Người đã làm cho Mẹ.
Mẹ Maria cũng nói với chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ giúp đỡ và nâng dậy những người khiêm nhường; nhưng người kiêu ngạo thì Chúa sẽ hạ xuống.
Sự khiêm nhường là điều cần thiết nếu chúng ta muốn phát triển trong ân sủng. Trên thực tế, nó là khởi đầu để chúng ta lớn lên trong ân sủng. Thử hỏi điều đầu tiên hết của việc xây dựng một cấu trúc trên mảnh đất là gì? Đó là làm sạch khu đất: dọn dẹp hết tất cả cỏ dại, những tảng đá, và rác rưởi đã chồng chất trên đó. Sự khiêm nhường cũng giống như dọn dẹp khu đất - một người không thể bắt đầu xây dựng đời sống ân sủng của mình nếu sự kiêu căng, cái tôi và kiêu ngạo không bị loại bỏ. Nếu không, nền móng cấu trúc đó sẽ không được kiên cố nhưng sẽ sụp đổ.
Chúa Giêsu khẳng định sự hài lòng của Chúa đối với những người hiền lành và khiêm nhường khi Người nói với thánh Faustina:
“Hôm nay, con hãy đem đến Ta các tâm hồn hiền hoà, khiêm tốn và những tâm hồn trẻ thơ; hãy nhận chìm họ vào đại dương thương xót của Ta. Những tâm hồn này giống Trái Tim Ta hơn hết... Ta đổ tràn trên họ những giòng thác lũ ân sủng. Ta đặc biệt tín nhiệm nơi những tâm hồn đó.”
Chúng ta phải cố gắng ý thức để xem chừng sự kiêu ngạo của mình mà nên khiêm nhường. Một cách để tôi nhắc nhở bản thân mình khiêm nhường đó là tôi đặt trên bàn làm việc của tôi một bức hình khi tôi mới chín tháng. Nó nhắc nhở tôi vẫn còn là một cậu bé chưa đứng vững hay đi vững, và tôi không có khả năng tự mình làm được điều gì. Vì vậy, tôi hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa để làm tròn bất kỳ công việc nào. Bức hình này giúp tôi khiêm tốn.
Chúng ta phải bắt chước Mẹ Maria và các Thánh là nhận biết sự hư vô của mình, và Chúa sẽ đổ ơn sủng của Người xuống trên chúng ta. Hãy tưởng tượng một cái xích đu của trẻ con, nó có một thanh gỗ ngang và hai ghế ở hai bên đầu, nếu nâng cao mình lên một bên, thì bên kia chúng ta sẽ hạ thấp Chúa xuống và như vậy Chúa chỉ có chỗ rất ít hoặc không có ảnh hưởng gì trong cuộc sống chúng ta. Nhưng nếu hạ thấp mình xuống thì chúng ta sẽ nâng Chúa lên và Chúa sẽ hiện diện, hoạt động trong đời sống chúng ta nhiều hơn.
Vì nhận biết sự giới hạn của mình nên chúng ta không dựa vào bản thân. Vậy chúng ta phải dựa vào ai?