PHẦN GIỚI THIỆU
Chúa Giêsu mặc khải với Thánh Faustina rằng Chúa rất quảng đại với những ân sủng của Người, nhưng nhiều người không biết cách để nhận lãnh ân sủng mà Chúa muốn ban cho họ.
Thánh Faustina: “Hôm nay tôi nhìn thấy Chúa Giêsu Tử Giá. Những hạt ngọc và kim cương đang trào ra từ thương tích nơi Trái Tim Chúa. Tôi thấy rất đông các linh hồn đang thu lượm các tặng ân ấy, nhưng cũng có một linh hồn sát bên Trái Tim Chúa, linh hồn này hiểu biết giá trị những tặng ân, nên thu lượm không những cho mình mà cho các linh hồn khác nữa. Đấng Cứu Độ phán với tôi: "Hãy xem, những kho tàng ân sủng trào đổ cho các linh hồn, nhưng không phải mọi linh hồn đều biết cách tận dụng lòng quảng đại của Cha.” (1687)
Điều này cũng tương tự như khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Catherine Laboure và cho thấy hình dạng của Mẫu ảnh Phép Lạ. Thánh Catherine tường thuật Đức Mẹ mang nhiều chiếc nhẫn có gắn những viên đá quý chiếu những dãy tia sáng rực rỡ xuống trái đất. Đức Trinh Nữ Maria đã mặc khải: "những dãy tia sáng này tượng trưng cho những ân sủng mà Mẹ đổ xuống cho những ai kêu cầu Mẹ.” Nhưng khi được hỏi tại sao có những dãy tia sáng của một số viên ngọc lại không chiếu xuống thì Mẹ Maria trả lời: “Các viên ngọc có những dãy tia sáng không chiếu xuống là những ân sủng mà các linh hồn quên hỏi."
Thiên Chúa muốn tuôn đổ dồi dào ân sủng cho mỗi người và trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người không xin hay khao khát, hay nỗ lực để nhận được ân sủng.
Tôi muốn biết cho chính tôi là làm sao để nhận được hết tất cả những ân sủng mà Chúa muốn ban cho mình. Tôi muốn giống như một số ít người biết làm thế nào để tận dụng sự quảng đại của Thiên Chúa. Vì vậy dựa trên sự tìm hiểu, cầu nguyện và kinh nghiệm, tôi đã xác định được những cách thức mà chúng ta có thể tận dụng tối đa sự quảng đại của Thiên Chúa và nhận lãnh đầy tràn ân sủng mà Người muốn ban cho chúng ta. Đó là sự tự do lựa chọn mà chúng ta có thể làm để tăng thêm số ân sủng chúng ta muốn nhận.
Ân sủng là gì?
Tất cả chúng ta đều có khái niệm rằng ân sủng là một phúc lành, một món quà, một sự trợ giúp từ Thiên Chúa. Nhưng có một khía cạnh của ân sủng mà chúng ta thường quên hoặc thậm chí không nhận ra. Sách Giáo lý cho biết:
“Ân sủng là một ân huệ, một trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban để chúng ta đáp lại tiếng gọi của Người: trở thành con cái Thiên Chúa, làm nghĩa tử, tham dự vào bản tính Thiên Chúa và vào sự sống đời đời." (CCC 1996)
Ân sủng luôn kêu gọi một sự đáp trả để làm cho nó sinh hoa lợi. Ân sủng không bắt buộc chúng ta, nhưng là một món quà phải được tiếp nhận và sử dụng. Nếu một món quà không được đón nhận và sử dụng, thì nó không thực hiện được mục đích đã định của nó. Ví dụ: tôi để một món quà còn gói y nguyên trên bàn của bạn, nhưng bạn để nó sang một bên và quên bẳng nó đi thì mục đích của món quà đã không bao giờ được nhận ra. Tương tự với ân sủng, nếu không đáp lại ý định của Thiên Chúa trong việc ban cho chúng ta quà tặng, thì hoa quả hay mục đích của ân sủng đó không bao giờ được nhận ra. Do đó, phần đáp trả rất quan trọng nếu chúng ta biết ích lợi của ân sủng. Hơn nữa, nếu đáp trả, chúng ta không những được lợi từ ân sủng đó, mà Chúa còn ban thêm nhiều ân sủng khác nữa, nhờ đó có thể hoàn toàn nhận ra tiếng gọi để đáp trả và để được tham dự vào sự sống của Người.
Trang mạng này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ân sủng, sự hoạt động của ân sủng và những cách thức khác nhau trong đó chúng ta có thể đáp trả những tặng ân của Thiên Chúa. Khi đáp trả những ân sủng khởi đầu của Thiên Chúa với tất cả tự do, chúng ta sẽ được hưởng thêm nhiều ân sủng nữa.
Những tác động của ân sủng là gì?
- Tác động của ân sủng có tính cách chữa lành. Ân sủng chữa trị các vết thương do tội lỗi gây ra.
- Ân sủng giải thoát khỏi sự thống trị của tội lỗi và đam mê xác thịt. Nó giúp chúng ta đạt được tự do thật sự là con cái Thiên Chúa.
- Ân sủng nâng cao bản chất con người để chúng ta tham dự vào sự sống thần linh của Người.
- Ân sủng cho phép chúng ta làm được những gì vượt quá khả năng tự nhiên của con người.
Các loại của ân sủng là gì?
1.Ơn thánh hoá là ơn thường tồn, biến đổi chúng ta thường xuyên nên giống chân dung Chúa. Nó hoạt động trong chúng ta từ từ và dần dần, giúp thánh hoá, phù hợp chúng ta với Đức Kitô. Với ơn thánh hóa chúng ta phát triển những thói quen tốt và lớn lên trong nhân đức.
2.Ơn hiện sủng được ban ở thời điểm nhất định để hoàn thành những nhiệm vụ vượt quá khả năng tự nhiên của chúng ta.
3.Ơn đặc sủng được ban vì lợi ích của người khác và để xây dựng Nước Chúa. Thánh Phaolô liệt kê những đặc sủng khác nhau trong 1Cor 12, bao gồm ơn khôn ngoan, đức tin, chữa lành, phân biệt thần khí, nói tiếng lạ, giảng dạy, vv... Có ba điều về một đặc sủng có thể nhận ra: a) một cái gì đó chúng ta làm rất tốt. b) chúng ta thích làm việc đó. c) những người khác được hưởng lợi từ đó theo cách thức để xây dựng thân thể Đức Kitô.
4.Ơn thường sủng là trạng thái thường xuyên giúp chúng ta hoàn thành ơn gọi của mình trong cuộc sống hằng ngày, cho dù đó là đời sống kết hôn, tu sĩ, linh mục hay độc thân.
Tại sao ân sủng lại quan trọng và cần thiết?
- Mục đích của cuộc sống là được thánh hóa, và phương tiện để thánh hóa là ân sủng.
- Ân sủng là phương tiện để giúp chúng ta nên thánh, tham dự vào sự sống Thiên Chúa và đạt được sự sống vĩnh cửu.
- Ân sủng dẫn chúng ta tới Chúa, giúp trở nên giống Chúa và kết hiệp chúng ta với Chúa - đó là cùng đích, mục tiêu, và hạnh phúc của chúng ta - nhờ Người mà chúng ta được tạo thành.
Trang mạng này giúp khám phá ra những cách mà chúng ta có thể hoàn toàn đáp lại ân sủng khởi đầu của Chúa, và nhờ đó được hưởng thêm nhiều ân sủng nữa.
Số lượng ân sủng mà chúng ta nhận được phụ thuộc vào sự đáp trả và hợp tác của chúng ta...
Mẹ Maria như được biết từ lời của Sứ thần Gabriel là "đầy ân sủng". Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn hỏi Mẹ về sự đồng ý tham gia vào kế hoạch cứu độ của Người. Một khi Mẹ Maria đã nói "vâng", thì Mẹ nhận được nhiều ân sủng để hoàn thành vai trò làm Mẹ Thiên Chúa; và khi Mẹ trung thành với ơn gọi của mình thì Mẹ nhận được hết ân sủng này đến ân sủng khác.
Ân sủng + đáp trả = nhiều ân sủng
Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của chúng ta, có thể đây là cách để chúng ta lập công đức. Người đang kêu gọi chúng ta thực hiện ý chí tự do của mình nhiều hơn chúng ta nhận ra. Sự lựa chọn tự do của mình có nhiều quyền lực, ảnh hưởng và giá trị hơn chúng ta nghĩ.
Có những cách bố trí và hành động có thể làm tăng thêm ân sủng, không chỉ cho chúng ta mà còn cho những người khác nữa.
Ân sủng mà chúng ta nhận được cho riêng mình cũng ảnh hưởng đến toàn bộ thân thể của Đức Kitô. Tất cả chúng ta đều liên kết, vì vậy khi một thành viên trưởng thành thì toàn bộ cơ thể được lợi. Và ngược lại, các thành viên có thể ảnh hưởng xấu đến toàn bộ cơ thể bằng cách không phát triển trong ân sủng hoặc đang phạm tội. Sự thánh thiện cá nhân cũng góp phần vào việc xây dựng vương quốc của Thiên Chúa trên trần gian này cả tích cực lẫn tiêu cực.
Ân sủng được ban cho theo sự cân xứng ít nhiều với thái độ và hành động của chúng ta. Mười hai điểm này và sự mau mắn đáp trả là của Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng không những của Đức Maria mà còn là đặc tính của chính Chúa Giêsu và của các Thánh nữa. Những phẩm chất này làm hài lòng Thiên Chúa, chúng dựa trên Kinh Thánh, được xác nhận bởi các Thánh, và theo kinh nghiệm của bản thân tôi.
Những phẩm chất này có hiệu quả nhất khi chúng trở thành thói quen - một bản chất thứ hai - một cách sống và hành động thường xuyên. Bằng cách đó, chúng ta luôn tiếp thu, hưởng nhiều ân sủng và lớn lên trong ân sủng.
Sự Nhận Định
Cũng như bất cứ điều gì, chúng ta phải luôn cân nhắc với sự khôn ngoan, phán đoán và biện phân (có lẽ với sự giúp đỡ của người hướng dẫn tâm linh). Chúng ta có thể sẽ đi quá xa, quá cực đoan, và làm cho nó trở nên bất lợi hơn là tốt.
Một điều khác cần ghi nhớ: ân sủng là sự tự do cá nhân - Thiên Chúa ban cho mỗi người số lượng và ân sủng khác nhau, Thiên Chúa có quyền tự do đó. Những điểm này là để giúp chúng ta nhận lãnh tối đa số ân sủng Thiên Chúa muốn ban cho mỗi người một cách riêng biệt.
Cuối cùng, động lực không phải là sự thánh thiện hay gia tăng ân sủng cho riêng mình, nhưng là để hợp tác với Thiên Chúa, làm vui lòng Người, hiệp nhất với Người - vì tình yêu.
Một điều nữa là một người có thể ít nhiều bị cản trở bởi ân sủng. Ví dụ: có thể là về tình cảm hoặc những vết thương tâm lý cần được chữa lành. Những trở ngại tiềm tàng khác có thể là tội, sự xấu hổ, sợ hãi, sự thiếu tha thứ, còn dính bén với tội, hay nghiện ngập, vv...
Một số trong mười hai điểm này trùng nhau. Các điểm được liệt kê theo thứ tự tự nhiên. Sáu điểm đầu có liên quan nhiều hơn đến nội tâm - cách sống; sáu điểm sau có liên quan đến hành động - cách hành xử.
Một số người có thể đã quen thuộc với những điểm này và đang thực hành chúng. Nhưng có lẽ một số khác sẽ học được cái gì đó mới mẽ: có một khía cạnh khác, hoặc được nhắc nhở ở một lãnh vực nào đó trong cuộc sống mà họ cần để ý nhiều hơn. Những người khác có thể nhìn vào ân sủng bằng một cái nhìn và tìm hiểu những cách thức khác nhau để họ có thể nhận được dồi dào ân huệ của Thiên Chúa!